Friday, March 27, 2015

Bitcoin-những nguy cơ tiềm ẩn

Bitcoin (ký hiệu: BTC) là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp dựa trên một mã nguồn mở, giao thức internet ngang hàng. Nó được giới thiệu bởi một nhà phát triển tên là Satoshi Nakamoto trong năm 2009. Bitcoin lcó thể dùng để giao dịch, mua bán hàng hóa trên Internet. Bitcoin không chịu sự quản lý của bất kỳ ngân hàng trung ương nào và hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi các chính sách tiền tệ và tài khóa. Vì vậy giá trị của đồng tiền ảo không phụ thuộc vào nền kinh tế của quốc gia cũng như hoạt động tài chính của các tổ chức, mà sẽ được quyết định bởi lòng tin của thị trường. Nó có thể được chuyển đổi thành tiền mặt sau khi được đưa vào ví ảo.
Người dùng muốn tham gia "đào" Bitcoin, cần có kiến thức về công nghệ thông tin, một chiếc máy tính được kết nối mạng, phần mềm thì có thể được download dễ dàng từ trang chủ của Bitcoin. Để dễ hình dung, chúng ta có thể coi Bitcoin như một mỏ vàng, kim cương, đá quý, v..v.. có trữ lượng nhất định. Phần mềm này mô tả cho chúng ta cách thiên nhiên tạo ra các nguồn quặng giá trị không được tái tạo nêu trên. Dù có bao nhiêu người "đào" hay "đào" bằng dụng cụ gì thì cũng sẽ đến lúc chạm tới ngưỡng không còn tài nguyên để khai thác. Những người đến trước, "đào" trước sẽ dễ dàng hơn những người đến sau "đào" sau. Và càng "đào" lâu, càng nhiều người "đào" thì càng khó. Khi càng "đào" càng khó thì việc mua bán lại trên mạng sẽ đắt hơn. Vì vậy rủi ro có thể thuộc về những người đến sau.
Chính vì những cái khó khi "đào" và những ràng buộc khi giao dịch trên mạng nên Bitcoin chỉ được một nhóm nhỏ ở Việt Nam cũng như trên thế giới sử dụng, giao dịch. Đó là những người trẻ am hiểu và có kiến thức về công nghệ thông tin. Để đầu tư một máy tính “đào” Bitcoin khá đắt tiền, chưa kể đến đâu tư cơ sở hạ tầng, lượng điện tiêu hao, dung lượng mạng,… Ở nước Mỹ, theo các thống kê đã tính ra rằng để đào được 1 đồng bitcoin dân công nghệ lỗ trung bình khoảng 2000 USD đó là chi phí cho siêu máy tính và đặc biệt là tiền điện. Ngoài ra việc tiền ảo dễ gặp phải những nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch khi sập mạng. Thực tế nguy cơ này đã trở thành hiện thực. Vào tháng 11-2013 một vụ đánh cắp đã xảy ra với giá trị lớn kỷ lục lên đến 100 triệu USD. Đầu năm 2014, giá Bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi 2 sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật. Ngày 25-2-2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới Bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng. Nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi sử dụng Bitcoin cho các giao dịch tội phạm. Không những thế Bitcoin còn đã trở thành công cụ thanh toán trên thị trường chợ đen trên mạng cũng như rửa tiền và rủi ro lớn nhất là đồng tiền bitcoin bị nhiều ngân hàng trung ương của các quốc gia phủ nhận nên giá trị của nó không ổn định, những đổ vỡ ban đầu ở một số nước trên thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro của Bitcoin.
Các chuyên gia về tài chính khi bình luận về "tiền ảo" Bitcoin khá thận trọng và khẳng định đây là loại "tiền ảo" không chính thống và thiếu minh bạch. Những người dân "chơi" Bitcoin hay bất kỳ loại "tiền ảo" nào đều có nguy cơ trắng tay. Theo Ngân hàng Nhà nước, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính nào, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Bitcoin không do một hiệp hội có uy tín phát hành, không được bất cứ tổ chức, cơ quan nào đứng ra quản lý nên trong trường hợp rủi ro xảy ra, không có bất kỳ ai chịu trách nhiệm. Bitcoin chỉ tồn tại như một thỏa thuận dân sự, một hình thức thanh toán trên cơ sở quy ước và đồng thuận giữa các bên. Do tính chất pháp lý yếu của đồng "tiền ảo" này, Bitcoin rất khó được sử dụng rộng rãi như tiền giấy. Vì vậy khi có tranh chấp xảy ra, người dùng gần như không được bảo vệ.

Vậy trái đắng hay quả ngọt đầu tư vào bitcoin vẫn đang còn là câu hỏi ?
                                                                       Nguyễn Huy Trung - Nguyễn Xuân Dũng

No comments:

Post a Comment